Thông tin tuyên truyền

Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới

20/11/2024 08:30:23AM
Màu chữ Cỡ chữ

Kế thừa truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đề cao mục đích, vai trò của giáo dục. Điều này xuất phát từ chính mục tiêu cao cả mà Người theo đuổi suốt cuộc đời: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo, phát triển con người, góp phần làm thay đổi con người, xây dựng con người hoàn thiện hơn. Giáo dục góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa nước ta bước lên đài vinh quang. Theo quan niệm của Bác, không gì khác ngoài giáo dục giúp đào tạo nên những nhân tài, hiền đức. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nhiều hiền tài sẽ giúp cho dân tộc mạnh. Một dân tộc mạnh sẽ được đứng ngang hàng với các nước mạnh năm châu. Không dân tộc nào có thể dễ dàng ức hiếp.

Sau 11 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tỉnh Long An đã đạt được những kết quả quan trọng, đó là kết quả của sự quan tâm trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy cũng như những nỗ lực và quyết tâm của UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền cơ sở trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Toàn tỉnh có 215 cơ sở giáo dục mầm non, 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 118 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cho phép hoạt động giáo dục. Số trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia đạt 54,7%. Tỉnh có Trường Cao đẳng Long An đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thông và thành thị được thu hẹp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý và dạy học. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Một số mô hình hay trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của tỉnh như Tăng cường công tác xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của các đồng chí nguyên lãnh đạo đối với lĩnh vực giáo dục và giáo dục tỉnh nhà; dạy và học hiệu quả trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Tuy nhiên, qua công tác tổng kết 11 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương; điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở một số trường vùng sâu còn khó khăn; kết quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đạt yêu cầu đề ra, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT vẫn còn hạn chế;... Về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, những năm qua tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao và kinh tế mới. Trình độ ngoại ngữ của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của thị trường lao động,... . Đó vừa là những hạn chế, đồng thời là những thách thức cần phải sớm được ngành Giáo dục và Đào tạo khắc phục trong thời gian tới.

Bước vào giai đoạn mới, khi toàn xã hội và kinh tế thế giới đang có chuyển biến mạnh mẽ, việc phát triển giáo dục và đào tạo luôn được xem là nền tảng quan trọng giúp quốc gia tiến tới tương lai bền vững. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tỉnh ta đang trong giai đoạn bứt phá để vươn lên trên bản đồ kinh tế vùng và cả nước; đòi hỏi các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục, nhằm tạo ra những chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững cho ngành giáo dục địa phương, trong đó tập trung lớn nhất cho hai mục tiêu là cơ sở vật chất và con người. Đây là hai nền tảng vừa đóng vai trò thiết yếu, vừa bổ trợ cho nhau trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu như trước đây, một lớp học chỉ cơ bản là phấn trắng bảng đen thì hiện nay, do yêu cầu về phương pháp và tính đa dạng của bài giảng, nên việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy đòi hỏi cơ sở vật chất phải được hiện đại hóa và liên tục cải tiến. Các lớp học thông minh, các thiết bị tương tác kỹ thuật số, hệ thống quản lý học tập trực tuyến,.... đều là những công cụ cần thiết để nâng cao trải nghiệm học tập. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm hoặc các thư viện hiện đại cũng sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng nghiên cứu, thực hành, tư duy sáng tạo để giải quyết nhiều vấn đề trên lớp. Do đó hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục và Đào tạo rất cần vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc bảo đảm nguồn kính phí cho hoạt động giáo dục. Mặc dù biết rằng nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vì một mục tiêu xa hơn thì cấp ủy vẫn phải quyết tâm lãnh đạo, đảm bảo ngân sách nhà nước thực chi cho giáo dục, đào tạo. Nếu như cơ sở vật chất là nền tảng thứ nhất, thì nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định chất lượng của giáo dục và đào tạo. Nguồn lực này bao gồm: đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả học sinh, sinh viên. Để lãnh đạo phát triển tốt nguồn lực này, không ai khác hơn là cấp ủy địa phương và trong các cơ sở giáo dục. Theo mô hình giáo dục và trong chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, thông thường thì Hiệu trưởng trường phổ thông cũng đồng thời là Bí thư chi bộ nhà trường. Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho nhà trường. Vì vậy công tác lãnh đạo của cấp ủy cần quan tâm nhiều đối với cấp ủy nhà trường, bảo đảm để hiệu trưởng các trường học phải là người cán bộ quản lý có tâm, xứng tầm; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phải có đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng; đồng thời phát huy tốt vai trò của hiệu trưởng, của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, từ đó tạo nên một môi trường giáo dục hiện đại, chất lượng, phát huy tốt các yêu cầu về dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là điều cần thiết. Kết luận 91-KL/TW đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ nào cũng cần. Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện, công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần phải tiếp tục đổi mới, toàn diện và bám sát thực tiễn. Những nhiệm vụ và giải pháp tập trung vào trước hết vào nguồn lực vật chất và con người sẽ góp phần tạo ra một nền giáo dục tiên tiến, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước ngày một bền vững trong tương lai.

Coi trọng giáo dục, phải nhận thấy là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là của con người, do con người và vì con người. Đồng thời, phải tạo ra con người đủ đức, tài mới xây dựng được chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ dân chủ, công bằng, văn minh đó; góp phần hiện thực hoá khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), là dịp để mỗi chúng ta tri ân và gửi tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Xin được gửi tới các nhà giáo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về những người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh....” và lời ca ngợi nghề dạy học của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Trước yêu cầu đổi mới, chúng ta gửi gắm tin yêu và hy vọng vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cần nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân góp sức tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Diễm My

Các tin khác