Đời sống tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo và ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực
Đời sống tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo, các tôn giáo được đối xử bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng về tộc người với những truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt. Những thành tựu đó, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao vai trò của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước và được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII đó là “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thuộc nhiều quốc tịch khách nhau như: Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Liên bang Nga, Mỹ, Pháp…
Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng sôi động, từ khi Đảng, Nhà nước Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo được mở rộng giữa tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với các tổ chức tôn giáo thế giới, như Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam… Ngoài các hoạt động quốc tế bình thường mang tính tổ chức hoặc giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM); hợp tác liên tín ngưỡng giữa các nước của Phong trào Không liên kết; đối thoại nhân quyền Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - EU, Việt Nam - Úc… Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2019, có tất cả 505 đoàn khách tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo; có 1.538 đoàn thuộc các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam tham gia hoạt động quốc tế ở nước ngoài. Trong năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp các cơ quan chức năng chấp thuận 38 đoàn ra với số lượng là 170 người, 77 đoàn nước ngoài vào hoạt động tôn giáo tại Việt Nam với số lượng là 467 người; tiếp đón và làm việc với 21 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tôn giáo và chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam; năm 2022, giải quyết 38 khách ngước ngoài gia hạn visa để hoạt động tôn giáo; 32 đoàn vào (175 người), 14 đoàn ra (48 người) xuất cảnh hoạt động vì mục đích tôn giáo.
Hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không chỉ thực hiện theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài có dịp tiếp cận với thực tế tôn giáo ở các vùng miền của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - Vatican ngày càng chuyển biến tích cực, sau chuyến thăm năm 1989 của Hồng y Etchegaray đến Việt Nam, đến tháng 11/1990, chính thức đánh dấu các tiếp xúc giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Kể từ chuyến viếng thăm này, hàng năm, Tòa thánh cử đoàn Ngoại giao sang Việt Nam và giải quyết các vấn đề mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam; ngày 13/10/2011, Tòa thánh đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam; từ năm 2018 đến nay là Tổng Giám mục Marek Jalewski thay thế. Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ từ “Đặc phái viên không thường trú” lên “Đặc phái viên thường trú” của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam (hai bên đã đạt được thống nhất các nội dung trong Quy chế Đặc phái viên thường trú).
Từ cuối thập niên 2000 trở đi, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm nước Cộng hòa Italia (hoặc các nước châu Âu), nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã đến hội kiến các vị Giáo hoàng đương nhiệm tại Vatican. Đặc biệt, ngày 22/01/2013, một phái đoàn quan chức cấp cao do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đến thăm Tòa thánh Vatican, tiếp kiến Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Tòa thánh Vatican, hội kiến với Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Sau chuyến thăm, Thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết "Đây là lần đầu tiên một vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Đức Giáo hoàng và các vị lãnh đạo cấp cao của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong các cuộc nói chuyện thân mật các vị đã bàn về những vần đề có quan hệ đối với Việt Nam và Tòa Thánh, đồng thời bày tỏ ước muốn một số tình trạng còn tồn đọng sớm được giải quyết và sự cộng tác phong phú hiện nay có thể được củng cố".
Số lượng chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tăng, nếu như năm 1995, cả nước có trên 31,5 nghìn chức sắc; năm 2005 có trên 42 nghìn chức sắc; năm 2010 có 49,5 nghìn chức sắc; năm 2020 tăng lên 58,1 nghìn chức sắc; riêng Phật giáo từ 12 nghìn chức sắc năm 1990 đã tăng lên trên 32 nghìn chức sắc năm 2020; Công giáo từ 2.700 chức sắc năm 1990 tăng lên trên 8,1 nghìn chức sắc năm 2020; Tin lành từ 506 chức sắc năm 1990 tăng lên trên 2,1 nghìn chức sắc năm 2020; năm 2022, đã có 5.730 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 9.300 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 1.577 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển… ngoài ra, hằng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Nhờ có tính nhất quán của chính sách tôn giáo ở Việt Nam đã giúp các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc, là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó đại đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự được Nhà nước rất quan tâm, tính đến ngày 31/12/2021, trong cả nước có 29.700 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tăng khoảng 5.700 cơ sở so với năm 2008. Hầu hết các cơ sở thờ tự tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới (chỉ tính riêng trong năm 2020, cả nước có 192 cơ sở thờ tự được xây mới và 230 cơ sở thờ tự được sửa chữa). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật. Đến tháng 31/12/2020, số cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 74,96% tổng số cơ sở. Trong năm 2022, đã có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới; 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa, cải tạo. Bên cạnh đó, việc xem xét giao đất, cấp đất cho các tôn giáo để mở rộng cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ cũng được quan tâm.
Việc in ấn, xuất bản ấn phẩm tôn giáo tăng cả về về số lượng và chất lượng, từ khi đổi mới, việc in ấn, xuất bản ấn phẩm tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Chỉ tính hơn 05 năm hoạt động đầu tiên của Nhà xuất bản Tôn giáo (1999 - 2004) đã xuất bản được trên 1.303 tựa sách với hơn 6.514.000 bản in, 205 văn hóa phẩm (lịch, băng, đĩa liên quan đến tôn giáo). Đến năm 2021, ở Việt Nam cấp toàn đạo của các tổ chức tôn giáo có 15 tờ báo và tạp chí đang hoạt động, trong đó có những tờ báo, tạp chí có uy tín. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động với rất nhiều trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, website của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Đặc biệt, ngày 12/01/2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức khai trương Trung tâm điều hành điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, trong năm 2022, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản 500 xuất bản phẩm, với 1,5 triệu bản in đã được xuất bản.
Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội chung và được đông đảo người dân tham gia: Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh; Lễ hội Hành hương Thánh địa La Vang của Công giáo hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia; Lễ Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền đến Việt Nam (2011) tại Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hàng vài chục nghìn lượt tín đồ, chức sắc và khách quốc tế tới tham dự; Đại lễ Vesak năm 2008 tại Thành phố Hà Nội, Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính, tỉnh Ninh Bình có hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và hàng nghìn khách quốc tế từ hằng trăm quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự; đặc biệt Đại lễ Vesak năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (từ ngày 12 đến ngày 14/5/2019) với sự tham dự của khoảng 30 nghìn tăng, ni, phật tử cả nước, 1.650 khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 04 lãnh đạo quốc gia (Tổng thống Nepan; Thủ tướng Myanmar; Phó Tổng thống Ấn Độ; Chủ tịch Thượng viện Butan) và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, 28 vị đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Những con số biết nói và thành quả công tác tôn giáo nêu trên một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam và đã thể hiện rất sinh động trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động của các tổ chức, các nhân tôn giáo ở Việt Nam; hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, mà Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động tham gia./.
Các tin khác
- Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới (20/11/2024)
- Nhớ lời Bác dặn, Mặt trận là phải đoàn kết toàn dân (20/11/2024)
- TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO – MỘT TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM (20/11/2024)
- CƠ SỞ RA ĐỜI CỦA “NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC” Ở KHU DÂN CƯ (20/11/2024)
- Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Kiến Tường- tiếp tục lan tỏa các Mô hình “Dân vận khéo”, các cuộc vận động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (20/11/2024)
- THỊ XÃ KIẾN TƯỜNG NỖ LỰC, QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI (20/11/2024)
- BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM: “CHỐNG LÃNG PHÍ” (22/10/2024)
- Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận để tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong thời kỳ mới (18/10/2024)
- Thực hành dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18/10/2024)
- PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÁC PHẨM “DÂN VẬN” TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (17/10/2024)